Nhập nội dung vào đây để tìm kiếm!

Tình cảm vĩnh cửu giữa chị và em trai

Tôi sinh ra trong một ngôi làng lẻo lánh trên một quả núi. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho giời cày xới mảnh đất khô vàng. Một hôm, tôi muốn mua một chiếc khăn tay, mà tất cả các cô gái quanh nơi tôi ở dường như đều có. Thế là, một ngày nọ tôi lấy 50 xu từ ngăn kéo của bố. Bố phát hiện ra số tiền đã không cánh mà bay.


"Ai đã lấy tiền vậy?" ông hỏi em trai và tôi. Tôi sửng sốt, quá sợ tới mức không thể nói được gì. Cả hai chị em tôi đều không nhận tội, vậy nên ông nói, "Được, nếu không có ai chịu nhận thì cả hai cùng bị phạt!" Đột nhiên, em trai tôi cầm chặt tay cha và nói, "Bố, con chính là người đã lấy ạ!" Cậu bé nhận tội và chịu phạt thay tôi.

Nửa đêm hôn đó, bỗng dưng tôi gào lên. Em trai dùng bàn tay bé xíu bịt miệng tôi lại và nói, "Chị, giờ đừng khóc nữa. Mọi chuyện đã xảy ra rồi mà." Tôi sẽ không bao giờ quên được biểu hiện của em khi bảo vệ tôi. Năm đó, em trai tôi mới 8 tuổi còn tôi 11. Tôi vẫn còn thấy ghét bản thân mình vì không đủ dũng khí để nhận tội. Năm tháng trôi đi nhưng sự việc này vẫn dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.

Khi em trai tôi học cuối cấp hai, cậu được nhận vào một trường trung học phổ thông ở trung tâm thành phố. Cùng lúc đó, tôi được nhận vào một trường đại học trong tỉnh. Đêm đó, cha ngồi xổm trong sân, hút hết gói thuốc này đến gói thuốc khác. Tôi có thể nghe được ông hỏi mẹ tôi, "Cả hai đứa con mình, chúng đều có kết quả học tập tốt, rất tốt đúng không mình?" Mẹ tôi gạt nước mắt và thở dài, "Điều đó thì ích gì chứ? Sao chúng ta có được đủ tiền cho cả hai đi học đây?"

Đúng lúc đó, em trai tôi bước ra sân, đứng ngay trước mặt cha và nói, "Bố, con không muốn học tiếp nữa đâu. Con đã đọc đủ sách rồi." Cha trở nên tức giận. "Sao con lại có tinh thần yếu đuối vậy chứ hả? Dù có phải ăn mày đầu đường xó chợ, ta cũng sẽ để hai chị em con được học hành đến nơi đến chốn!" Rồi sau đó, ông gõ cửa mọi nhà trong làng để mượn vay tiền.

Tôi vuốt ve nhẹ nhàng hết mức có thể khuôn mặt của em và bảo, "Là con trai thì phải học tiếp. Nếu không thì em sẽ không thể vượt qua được nghịch cảnh mà gia đình ta đang trải qua đâu." Tôi, nói cách khác, đã quyết định không tiếp tục theo học đại học nữa.

Không ai biết được rằng ngày hôm sau, khi bình minh ló rạng, em trai tôi đã rời khỏi nhà với vài mảnh quần áo cũ và vài hạt đậu rang. Em lén đến bên thành giường tôi và để lại một lá thư trên gối, "Chị à, được vào đại học không phải dễ dàng gì. Em sẽ đi tìm việc làm và sẽ gửi tiền cho chị." Tôi ngồi trên giường tay nắm chặt lá thư mà miệng khóc đến lạc cả giọng.

Với số tiền cha mượn được từ chòm xóm và số tiền em trai kiếm được từ việc vác xi măng cho một công trường xây dựng, cuối cùng tôi cũng có thể học đến năm thứ 3 đại học. Năm đó, em trai tôi 17 tuổi còn tôi 20.

Một hôm, khi tôi đang ngồi học trong phòng, bạn cùng phòng tới và bảo tôi, "Có một người đồng hương đang đợi cậu ở ngoài đấy!" Sao lại có một người ở quê tìm kiếm tôi nhỉ? Tôi bước ra ngoài và nhìn thấy em trai tôi từ đằng xa. Khắp người em dính đầy bụi, vữa, xi măng và cát. Tôi hỏi em, "Sao em không bảo với bạn cùng phòng chị em là em trai chị?"

Em mỉm cười đáp lại, "Nhìn bộ dạng của em mà xem. Họ sẽ nghĩ gì nếu họ biết em là em trai chị? Chẳng phải họ sẽ cười nhạo chị sao?" Tôi xúc động trào nước mắt. Tôi phủi hết bụi hỏi người em và nghẹn ngào nói với em, "Chị không quan tâm người ta sẽ nói gì! Cho dù bộ dạng em có thế nào thì em vẫn là em trai của chị."

Em lấy từ trong túi quần ra một cái cặp con bướm. Em đặt vào tay tôi và nói, "Em thấy cô gái nào ở quê mình cũng đều mang nó. Em nghĩ chị cũng nên có một cái." Tôi không thể kìm nén nổi bản thân mình nữa. Tôi ôm em tôi vào lòng khóc òa. Năm đó, em trai tôi 20 tuổi còn tôi 23.

Sau khi lập gia đình, tôi sống trong thành phố. Chồng tôi nhiều lần mời bố mẹ tới sống cùng nhưng họ không muốn. Họ nói rằng khi bỏ làng họ chẳng biết sẽ phải làm gì cả. Em trai tôi cũng tán thành. Em nói, "Chị à, chị chỉ cần chăm sóc bố mẹ chồng. Em sẽ ở đây và chăm sóc bố mẹ."

Chồng tôi được bổ nhiệm làm giám đốc của nhà máy. Vợ chồng tôi muốn em làm quản đốc tại bộ phận bảo trì máy móc. Tuy nhiên, em trai tôi từ chối lời đề nghị. Em khăng khăng tiếp tục muốn làm một người thợ sửa máy thay vì khởi đầu một công việc mới.

Một hôm, em trai tôi trong khi đang trèo thang sửa dây diện thì bị điện giật và phải nhập viện. Tôi và chồng đến thăm. Nhìn chiếc băng thạch cao trên chân em, tôi càu nhàu, "Sao em lại từ chối làm quản đốc chứ? Làm quản đốc sẽ không phải làm việc nguy hiểm như vậy. Giờ nhìn xem - em đang bị thương nặng đấy. Sao em không chị nghe lời anh chị?"

Em bảo vệ quyết định của mình với vẻ mặt nghiêm túc, "Hãy nghĩ cho anh rể đi chị, anh ấy vừa mới trở thành giám đốc. Nếu em, người không được học hành, mà trở thành quản đốc, thì không biết người ta còn lời ra tiếng vào này nọ kiểu gì nữa đây?" Chồng tôi trào nước mắt còn tôi nói, "Nhưng em không được đi học chỉ bởi vì chị mà!"

"Sao chị cứ nói chuyện quá khứ thế?" em nói rồi nắm lấy tay tôi. Năm đó, em 26 tuổi còn tôi 29. Khi 30 tuổi em xây dựng gia đình với một thôn nữ trong làng. Trong tiệc cưới, người dẫn chương trình hỏi, "Ai là người anh kính trọng và yêu quý nhất?"

Không cần suy nghĩ, em trả lời, "Chị tôi." Em kể tiếp một câu chuyện mà đến cả tôi còn không nhớ nữa. "Khi tôi còn học tiểu học, trường tôi ở một ngôi làng khác. Hàng ngày, tôi và chị phải đi bộ mất 2 tiếng để đến trường và về nhà. Một hôm, tôi đánh mất một chiếc găng tay. Chị đưa cho tôi cái của chị. Chị chỉ đeo có một chiếc mà đường chị phải đi còn rất xa. Khi về đến nhà, tay chị run lên vì lạnh. Thậm chí chị còn không thể cầm nổi đũa. Từ đó trở đi, tôi đã thề với lòng rằng chừng nào còn sống tôi sẽ chăm sóc và luôn đối xử tốt với chị."

Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt trong khán phòng. Tất cả các vị khách đổ dồn về tôi. Tôi thấy thật khó nói nên lời, "Trong suốt cuộc đời tôi, người tôi muốn cảm ơn nhất là em trai tôi." Và trong dịp vui này, trước mặt khách khứa, nước mắt cứ lăn dài trên mặt tôi.

Bài học: Hãy yêu thương và quan tâm đến người mình yêu từng ngày một trong đời. Có thể bạn nghĩ những gì mình làm chỉ là chuyện nhỏ nhưng với ai đó, có thể nó mang ý nghĩa rất lớn lao. Một số mối quan hệ được tạo ra dù vô cùng bền vững nhưng vẫn cần được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự quan tâm chăm sóc.


Nguồn: moralstories.org 
CHUYÊN MỤC

Đăng nhận xét

0 Nhận xét