Ngày xưa có một goá phụ già tên là Trần Mã sống cùng cậu con trai duy nhất trong một khu rừng ở tỉnh Sơn Tây. Con trai bà là một trong những thợ săn đã được quan huyện cấp phép. Chàng đang tiếp nối nghề trước kia của cha và ông nội. Số tiền kiếm được từ việc bán da, thịt và xương hổ đủ giúp chàng ổn định được cuộc sống cho bản thân và người mẹ già trong căn nhà trát vách nhỏ.
Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp cho đến khi một mùa đông vô cùng rét mướt kéo đến. Trong lúc gặp bão tuyết, người con trai của bà Trần đã bị lạc đám bạn cùng đi săn và trở thành mồi của một con hổ cái đang đói bụng.
Sau khi cơn đau buồn và choáng váng ban đầu nguôi ngoai, bà Trần nhận ra tình cảnh hết sức đáng thương của chính mình - giờ chỉ còn bà lão một thân một mình. Bà tìm đến khẩn nài quan huyện được bồi thường vì con trai bà, nguồn sống duy nhất của gia đình đã ra đi. Viên quan huyện ban lệnh rằng kể từ đó về sau mỗi khi thợ săn nào đó giết được hổ bà sẽ được chia phần. Khỏi phải nói, quyết định của ông không được các thợ săn, những người mà ở nhà đã có quá nhiều miệng ăn cả già lẫn trẻ cần phải lo, đồng tình ủng hộ.
Thế là sau khi giết được con hổ cái đã ăn thịt con trai bà, họ quyết định không chia phần cho bà. Thay vào đó họ mang cho bà một con hổ con mới sinh. Đó là một con vật bé nhỏ, bộ lông vàng óng run lẩy bẩy, chân bước lảo đảo và răng chưa mọc. Sợi dây họ buộc quanh cổ nó chặt đến nỗi gần như khiến nó ngạt thở. Ngay lập tức, bà Trần có cảm tình với con vật yếu ớt có đôi mắt màu ngọc bích đang long lanh nước mắt này.
Sau khi đám thợ săn ra về, con hổ con loạng choạng bước tới chỗ bà Trần ngồi và nằm dưới chân bà. Bà lão cúi xuống xoa xoa đôi tai nó. Con hổ lấy cái cưỡi mềm mại liếm đôi giày bà.
Bà quả phụ già nhìn con hổ con và thở dài. "Họ bảo ta phải giết mày, ướp muối và hun thịt mày lên để dự trữ. Da của mày sẽ làm ra đôi giày giữ ấm cho chân ta, xương mày để làm Rượu Hổ Cốt chữa bệnh nhức xương của ta rất tốt. Nhưng ôi trời ơi, nỡ lòng nào tao lại có thể giết mày đây? Mày còn quá nhỏ và đầy sức sống còn ta thì già nua và sức đã tàn rồi."
Và thế là, bà Trần cởi sợi dây trói cổ con hổ ra và cho nó ăn một ít bột củ quấy lên. Con trai bà đã dự trữ được rất nhiều lúa mạch cùng các loại củ trong nhà kho và bà bà dự trù sẽ đủ thức ăn dùng đến hết mùa đông.
Khi lượng củi dự trữ vơi dần, bà Trần không thể giữ cho giường ngủ ấm được. Vì thế bà cuộn tròn mình trong lòng con hổ, con vật có bộ lông dễ chịu và ấm áp.
Thỉnh thoảng, những người phụ nữ ở làng bên thường mang quần áo đến nhờ bà Trần khâu vá giúp. Bà rất thạo đường kim mũi chỉ. Họ trả công cho bà bằng thịt thú rừng sấy khô và những bịch gạo nhỏ. Lúc đầu họ không phát hiện ra bộ dạng đáng sợ của con hổ vì nó không to hơn con lợn là mấy. Tuy nhiên, khi mùa xuân đến, con hổ lớn bằng một con bê, khoe ra đầy đủ bộ răng và móng vuốt. Những người phụ nữ kể lại cho những ông chồng thợ săn của mình nghe và họ đến giết con hổ con. Bà Trần cầm cái mác đi săn của con trai và đe doạ sẽ moi ruột bất cứ ai dám hãm hại con vật cưng của mình.
"Tôi đã mất cả chồng lẫn con trai. Giờ con hổ này là người bạn duy nhất mà tôi có. Tôi sẽ tới chỗ quan huyện và đề nghị được nhận nó làm con."
Đám thợ săn cho rằng bà lão này mất trí và cười nhạo bà. Thế nhưng vì bà rất cương quyết nên họ không dám làm hại con hổ mà không được sự cho phép của quan huyện. Thế là họ cùng bà Trần và con hổ đi thẳng tới công đường của quan huyện.
"Lão phu nhân đáng kính này," viên quan huyện nói. "Yêu cầu của bà hết sức không bình thường. Bà không sợ rằng một ngày nào đó con hổ ấy sẽ lấy lại bản tính hoang dã và sẽ xơi tái bà sao?"
"Bẩm quan lớn," bà lão quả phụ nước mắt dưng dưng đáp lại. "Có gì phải sợ kia chứ? Thần đã sống quá lâu rồi. Giờ chỉ có một điều duy nhất khiến thần phiền muộn ấy là phải sống hết sức cô đơn. Xin quan hãy cho thần nhận con hổ này làm con nuôi, vì thần đã yêu quý nó như con đẻ của mình."
Viên quan huyện tốt bụng không nỡ lòng nào từ chối lời cầu xin của một người phụ nữ lớn tuổi như vậy. Vì thế, ông đã bảo viên phụ quan của mình thảo ra một ước thư về việc nhận hổ làm con nuôi.
Để bảo vệ con hổ hỏi những mũi tên và giáo mác của các thợ săn, quan huyện lệnh cho người làm ra một chiếc đai to bằng đồng đeo quanh cổ con thú này. Trên chiếc đai có khắc dòng chữ "Con Nuôi Hổ." Để bày tỏ lòng biết ơn, bà Trần quỳ gối trước quan huyện và dập đầu ba lần. Sau đó bà dẫn Con Nuôi Hổ về nhà.
Đến mùa đông năm sau, Con Nuôi Hổ đã lớn tới mức tối đa. Túp lều của bà Trần đứng trước nguy cơ sẽ bị sụp đổ mỗi khi con hổ trở nên thích đùa nghịch. Bất đắc dĩ, bà để cho Con Nuôi Hổ làm ổ trong một cái hang gần đó.
Tuy nhiên, con hổ tình nghĩa vẫn thường quay trở lại thăm bà mẹ nuôi, mỗi lúc đến thường ngậm theo một món quà trong miệng - một con hươu hoặc một đoạn cành cây to. Thêm nữa, nó vẫn thích liếm đôi giày của bà và được bà xoa tai. Điều bà Trần cần là được trông nom cẩn thận phòng khi bản tính tự nhiên của cậu con nuôi trở lại!
Sau khi bà Trần qua đời ở cái tuổi 100 xưa nay hiếm, đám thợ săn nhận thấy Con Nuôi Hổ hằng đêm vẫn gác mộ bà. Họ để mặc nó vậy vì nó chưa bao giờ hại ai hoặc hại vật nuôi nào cả. Việc này diễn ra trong rất nhiều năm rồi cho đến một ngày không ai còn trông thấy con hổ ấy nữa.
Để tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ chú hổ con nuôi hiếu nghĩa, đám thợ săn dựng lên một tấm bia đá tưởng nhớ tại ngôi mộ của bà Trần, trên đó khắc lại câu chuyện về Con Nuôi Hổ. Từ đó vế sau, Con Nuôi Hổ trở thành một truyền thuyết được mọi người truyền tai nhau trong các gia đình ở mảnh đất Sơn Tây này.
- Tranh và lời: Teresa Ing
(Dựa theo Truyện cổ tích Trung Quốc)
- Dịch lời: Phạm Huy
Đăng nhận xét
0 Nhận xét